Ẩm thực/Cuisine

Cocktail là gì – Phương pháp pha chế Cocktail

Lượt xem 207

Cocktail không phải là thức uống xa lạ với mọi người hiện nay. Đặc biệt là những người hay có mặt các buổi tiệc tùng quán bar, club. Vậy cocktail là gì? Nguồn gốc ra đời của cốc tai như thế nào? Phân loại và cách pha chế cocktail cơ bản hiện nay?

Cocktail là gì?

Cocktail là gì? Cocktail là tên gọi một loại đồ uống có cồn, được pha từ hỗn hợp các loại rượu, đường, nước hoa quả và hương liệu. Đây là thức uống thường xuyên xuất hiện trong các party, quán bar, club và pub.

Năm 1806, trên một tờ báo của nước Mỹ, người ta định  nghĩa cocktail là một loại thức uống được pha từ rượu mạnh cùng đường, nước, rượu đắng – bitters, Tuy nhiên, đến thế kỉ 20, cocktail đã có rất nhiều biến hóa so với công thức ban đầu. Ngoài rượu và đường, cocktail hiện nay còn được pha chế từ rất nhiều các nguyên liệu khác: trái cây, sữa, kem, mật ong, thảo mộc, …

Nguồn gốc của cocktail

Cocktail ra đời từ rất sớm. Qua nhiều năm phát triển, cải biến, cốc tai có chủng loại và hương vị đa dạng nhu hiện nay. Hình thức ban đầu của cocktail chỉ là cách để rượu dễ uống hơn.

Cocktail là gì – Phương pháp pha chế Cocktail

Lịch sử ra đời của cocktail

Vào đầu thế kỉ 19, các quán rượu tương tự như quán bar mọc lên rầm rộ ở Mỹ. Cũng chính thời kì này, rượu Whisky trở nên nổi tiếng hơn. Tuy nhiên, rượu  whisky có độ cồn cao, hương vị không quá tốt. Do đó, người ta thường thêm đường, mật ong và nhiều nguyên liệu khác để tạo mùi, tạo vị. Đây chính là nền tảng ban đầu của Cocktail.

Dần dần, để chiều lòng khách hàng, càng nhiều các loại hương vị rượu được các chủ quán và phục vụ sáng tạo ra.  Cho đến đầu thế kỉ 20, với đạo luật cấm rượu, cocktail trở thành loại thức uống chính như một sự “lách luật” bởi chúng có nồng độ cồn khá thấp..

Đến sau những năm 1945, khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, quân Mỹ viễn chinh ở nhiều nước châu Âu đã khiến cocktail trở nên lưu hành ở châu lục này.

Nguồn gốc của cái tên cocktail là gì

Có khá nhiều ý kiến xung quanh nguồn gốc của tên gọi “cocktail”. Tuy nhiên, ý kiến sau đây là logic và được nhiều người tán đồng nhất.

“Cocktail” trong tiếng Anh có nghĩa là đuôi con gà trống. Có nhiều nguồn tin cho rằng, ở Mỹ, khi trò chọi gà phổ biến, những người thắng trong cuộc chọi gà sẽ nhận được lông đuôi của chú gà bị thua và được đãi một cuộc rượu sau khi được chúc “on the cock’tail”. Sau đó, một cách tự nhiên, người ta dùng từ cocktail cho những loại thức uống được pha trộn từ nhiều nguyên liệu bởi màu sắc của nó cũng sặc sỡ như chiếc lông đuôi con gà trống.

Thành phần chính của cocktail là gì?

Cocktail bao gồm 4 thành phần chính: rượu nền, chất tạo màu, chất tạo mùi, trang trí.

Rượu nền: Là thành phần tạo nên độ cồn, số ghi của một ly cocktail. Khi pha chế cocktail, người ta thường dùng rượu Rum hoặc rượu vodka. Trong khi rượu Rum thích hợp với các loại cocktail với trái cây, rượu vodka  thích hợp với hầu hết các nguyên liệu khác bởi vodka trung tính, không màu, không mùi, không ảnh hưởng đến mùi vị của các nguyên liệu đi kèm.

Chất tạo màu: chất tạo màu thường được sử dụng có thể là nước trái cây, nước ngọt, sữa, kem, …

Chất tạo mùi: thường là thảo mộc, rượu trái cây,

Trang trí ly cocktail: tùy vào thẩm mỹ của người pha mà các loại cocktail được trang trí với nhiều nguyên liệu khác nhau. Thường thấy nhất là một lát quả tươi, lá, ống hút, vỏ cam, frosting, …

Phân loại Cocktail

Với sự sáng tạo đa dạng của các bartender, các loại cocktail đang ngày càng đa dạng, độc đáo. Tuy nhiên, để phân loại cocktail, người ta thường căn cứ vào 5 điểm: thành phần, cách pha chế, dung tích, mùi vị, nồng độ cồn, thời điểm uống.

Phân loại cocktail theo thành phần

  • Cocktail có thành phần chính là rượu: Vodka drinks, Tropical drinks (Rum), champagne drinks, Gin-drinks,…
  • Cocktail có thành phần chính là chất tạo màu, chất tạo mùi: Cream drink, Colada (với dứa), Coffee,…

Công thức pha chế cocktail

  • Sours: cocktail truyền thống, cocktail cơ bản có công thức khá đơn giane là rượu mùi + nước chanh + đường
  • Batidas: Cocktail được làm từ công thức cơ bản là rượu mùi + đường + trái cây tươi
  • Highball: Cốc tai được pha từ rượu mùi hoặc rượu mạnh với các loại nước ngọt:  soda, coca cola, nước trái cây, …

Phân loại cốc tai theo dung tích

  • Short drink:loại cốc tai có dung tích dưới 100ml, chứa nhiều rượu mạnh, không có đá và không được trang trí
  • Long Drink:đây là loại cốc tai rất phổ biến, có dung tích nhiều hơn 100ml, được tạo nên bởi sự kết hợp rượu với các loại nước ngọt, có thể có đá và hoa quả.
  • Shooter:cốc tai dạng shooter có dung tích nhỏ, chỉ tầm 30ml. Loại cốc tai này chỉ uống trong 1 hơi, một ngụm.

Các loại mùi vị cocktail

  • Short Drinks cocktail được chia thành Dry, Medium và Sweet.
  • Long drinks cocktail được chia thành “aroma” , “fruity” , “fresh”, “creamy” 

Phân loại cocktail theo nồng độ cồn

  • Cốc tai được pha từ rượu mạnh (rượu nấu và chưng cất từ các loại ngũ cốc), có độ cồn cao. Đây là những loại cocktail xuất hiện đầu tiên, là hình thức ban đầu của cốc tai.
  • Cocktail được pha từ các loại rượu vang, bia có số ghi nhẹ, độ cồn thấp. Loại cốc tai này xuất hiện sau, được cải biến từ loại trên.
  • Hiện nay, để phù hợp với nhiều đối tượng hơn, các bartender còn sáng tạo ra nhiều hương vị cốc tai không cồn được pha chế từ nước ép hoa quả, kem sữa. Trong đó, có thể kể đến Virgin Colada được làm từ nước dứa + kem sữa + kem dừa.

Các loại cốc tai uống theo thời điểm

  • Cốc tai uống trước bữa ăn: loại cocktail dung tích nhỏ, vị không ngọt, không béo, độ cồn cao, tăng sự ngon miệng. (VD: Aperitif)
  • Cocktail uống trong bữa ăn: độ cồn hơi cao, kích thích vị giác, tỉnh táo (VD: Bloody Marry)
  • Cocktail uống sau bữa ăn: độ cồn nhẹ, hương thơm, vị ngọt, ngậy (VD: Jagermeister)

Cách pha chế cocktail – phương pháp pha chế cocktail cơ bản

1. Layering

Layering còn được gọi là Pousse Cafes hay cocktail phân tầng, đây là một trong những kỹ năng có độ khó cao, đòi hỏi sự cẩn thận cũng như tính kiên nhẫn cao. Layering được hiểu là rót các loại rượu khác nhau xếp thành từng tầng phân biệt với nhau bởi màu sắc.

Để rót được một ly layering đòi hỏi người Bartender đó phải nắm vững kiến thức về rượu và kỹ thuật tay nghề cao. Bởi vì, trên lý thuyết, layering được pha chế dựa vào độ ngọt và trọng lượng riêng của từng loại rượu để rót theo đúng thứ tự.
Đặc biệt, để có thể tạo được layer cho ly cocktail, người pha chế phải rót rượu thật từ từ vào chiếc muỗng để thành phần phía trên (loại rượu có trọng lượng nhẹ hơn) sẽ tiếp xúc với bề mặt của phần dưới. Nguyên liệu nào có trọng lượng riêng lớn nhất sẽ ở lớp cuối cùng, thứ nào nhẹ hơn sẽ nổi lên trên.

2. Building

Building – rót thẳng, đây là một kỹ thuật pha chế cơ bản nhất để các bartender tạo ra những ly cocktail hấp dẫn. Với kỹ thuật building các thành phần nguyên liệu được rót trực tiếp vào ly cùng với đá viên, không lắc hoặc khuấy. Kỹ thuật này không đòi hỏi phải được đào tạo quá nhiều, building thực hiện khá đơn giản, điều quan trọng mà một người bartender chuyên nghiệp phải làm là biểu diễn và rót làm sao cho đẹp mắt và trông thật nghệ thuật.

3. Blending

Đây là thuật ngữ chỉ kỹ thuật pha chế bằng máy xay. Đây là kỹ thuật chuyên dùng để pha chế các loại cocktail trái cây. Kỹ thuật này thực hiện cũng khá đơn giản, chỉ cần cho đá vào máy xay trước, sau đó cho các nguyên liệu khác vào và xay.

Khi xay các bạn phải chú ý, nếu lưỡi máy xay không được tốt, đá có thể bị đập vụn trước khi đánh, nên trước khi thực hiện bạn phải kiểm tra thật kỹ.Khi xay,bartender cần chú ý đến tốc độ xay, bắt đầu bằng tốc độ chậm sau đó nhanh dần, đến khi các thành phần nhuyễn với đá. Các bạn cũng đặc biệt lưu ý, kỹ thuật này chỉ sử dụng với những loại trái cây không vắt như: táo, xoài, lê,…

4. Shaking

Shaking là kỹ thuật cơ bản trong pha chế đồ uống mà bất cứ một bartender nào cũng phải thành thạo nếu như muốn theo đuổi con đường chuyên nghiệp.

Shaking là kỹ thuật sử dụng bình lắc. Người pha chế sẽ rót lần lượt các thành phần vào bình, sau đó cho đá và tiến hành lắc khoảng 10 giây. Việc sử dụng bình lắc giúp cho nguyên liệu hòa trộn với nhau, đồng thời làm lạnh đồ uống và giảm đi nồng độ cồn trong rượu.
Với những chiếc bình lắc, nhân viên bartender có thể kết hợp với những kỹ thuật biểu diễn để tăng thêm phần hấp dẫn. Chú ý khi lắc động tác phải mạnh, dứt khoát. Theo một quỹ đạo nhất định để các thành phần hòa quyện vào với nhau kịp lấy được độ lạnh mà lại không bị loãng vì đá tan ra nhiều.

5. Stirring

Để ly cocktail hay bất cứ loại đồ uống gì, khi pha chế vẫn giữ nguyên được hương vị, thì chắc chắn không thể thiếu kỹ năng khuấy hay còn gọi là Stirring. Khi nói đến khuấy có thể bạn có thể nghĩ chúng sẽ giống như khi chúng ta khuấy cà phê hay trà. Tuy nhiên, trong một thế giới của rượu như các quầy bar thì khuấy là kỹ năng đòi hỏi trình độ cao. Người pha chế phải có sự nhẫn nại và phải thường xuyên rèn luyện.

Vậy, đối với những loại cocktail nào chúng ta sẽ khuấy?

Với những món đồ uống có thành phần chỉ toàn là rượu thì khuấy là kỹ năng cơ bản được sử dụng nhiều nhất. Còn đối với những công thức có chứa các nguyên liệu như nước trái cây, sữa, trứng thì các bạn hãy sử dụng kỹ thuật lắc thì sẽ tốt hơn.

Nếu như Shaking làm giảm đi vị cay của rượu thì khuấy sẽ nhấn mạnh và tôn hương vị đó. Những bartender chuyên nghiệp có thể sử dụng kỹ thuật khuấy để tạo chiều sâu về hương vị khi kết hợp từng nguyên liệu đó với nhau.

Sưu tầm

 

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *